Trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI diễn ra ngày 20/7, phiên thảo luận chuyên đề về “Phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục trong kỷ nguyên mới” đã thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Các diễn giả không chỉ nêu bật tiềm năng to lớn của thanh thiếu niên Việt Nam trong chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu, mà còn đặt ra những vấn đề cấp thiết về giáo dục giới tính toàn diện, sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.
Tiềm năng và cơ hội tham gia, phát triển kinh tế số của Việt Nam hiện nay
Chia sẻ về tiềm năng và cơ hội của thanh niên trong thời đại số, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia tâm lý học thanh thiếu niên khẳng định: “Thanh niên Việt Nam đang nắm giữ những lợi thế vàng, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và làn sóng khởi nghiệp đang bùng nổ”.
Theo Tiến sĩ, lực lượng thanh niên hiện nay không chỉ dồi dào về số lượng, với dự báo đến năm 2023 có khoảng 22,4 triệu người mà còn đang sống trong một xã hội có tầng lớp trung lưu tăng nhanh, kéo theo nhu cầu tiêu dùng và ứng dụng công nghệ ngày càng cao.
“Đây là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế số, một trong những mũi nhọn tăng trưởng hiện nay”, ông nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh đưa ra số liệu về ngành thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng rõ nét, đạt 35% mỗi năm, trong đó 43% Gen Z truy cập ứng dụng mua sắm mỗi ngày và gần 99% thanh niên đã từng giao dịch trực tuyến. Những con số biết nói cho thấy thanh niên không chỉ là người tiêu dùng thông minh mà còn là lực lượng tiên phong trong hành vi tiêu dùng số.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiếp cận và đào tạo về các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) ở giới trẻ đang ngày càng cao, góp phần tạo ra một thế hệ nhân lực kỹ thuật chất lượng, sẵn sàng cho các lĩnh vực công nghệ mới.
Một thế mạnh nổi bật khác của thanh niên chính là khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ. Tính đến tháng 3/2022, Việt Nam có 93,5 triệu smartphone, và phần lớn nằm trong tay người trẻ. Chính độ phủ công nghệ này đang mở ra những cánh cửa lớn để thanh niên vươn ra toàn cầu.
Đặc biệt, ông bày tỏ niềm tự hào về chỉ số tinh thần khởi nghiệp cao ở giới trẻ Việt Nam:
“Thanh niên hôm nay rất dũng cảm, sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn để thử sức với các mô hình kinh doanh mới. Họ không ngại thử, cũng không ngại thất bại”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, điều quan trọng là phải mở ra cơ chế và điều kiện để khơi dậy và khai thác hết tiềm năng này, từ chính sách hỗ trợ, môi trường công nghệ, đến giáo dục và đầu tư vào con người.
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, thanh niên Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để bứt phá và khẳng định vai trò trong nền kinh tế số.
Các mô hình việc làm linh hoạt từ nền tảng số ngày càng phổ biến, giúp người trẻ dễ dàng tiếp cận thị trường toàn cầu với chi phí khởi nghiệp thấp. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp như Luật Công nghệ thông tin (2006), Luật An ninh mạng (2018) hay các chương trình quốc gia về khởi nghiệp đang dần được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thanh niên phát triển.
Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít thách thức. Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đang đặt ra nguy cơ thay thế hàng loạt việc làm truyền thống. Nhiều bạn trẻ vẫn còn hạn chế về kỹ năng số, kỹ năng mềm, khiến họ gặp khó khăn trong môi trường làm việc mới. Đặc biệt, tình trạng mất an toàn thông tin cá nhân, nguy cơ bị lừa đảo và thao túng dữ liệu đang gia tăng đáng kể.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh cũng đưa ra đề xuất, gể giúp thanh niên phát huy vai trò chủ lực trong kỷ nguyên số, các chuyên gia đề xuất cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức xã hội về kinh tế số và vị thế của giới trẻ.
Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, đầu tư phát triển nguồn nhân lực trẻ trong các lĩnh vực STEM, khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng hạ tầng số hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên học tập, lao động và bứt phá trong thời đại mới.
Giáo dục công dân toàn cầu thông qua giáo dục giới tính, tình dục toàn diện cho thanh thiếu niên
Từ một góc độ khác, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Hồng Nhung, Trường Đại học Sư Phạm, Đại học Thái Nguyên mang đến một thông điệp giàu cảm xúc và cũng rất thực tế là muốn phát triển con người toàn diện trong kỷ nguyên mới, hãy bắt đầu bằng việc chăm sóc sức khỏe tâm thần và giáo dục giới tính toàn diện cho thanh thiếu niên.
Mở đầu phần chia sẻ, Tiến sĩ Nhung nhấn mạnh: “Trạng thái khỏe mạnh không chỉ là sức khỏe thể chất, mà còn bao gồm sức khỏe tâm thần và sức khỏe xã hội”.
Theo bà, điều này đúng cho mọi người, cả người đang có bệnh lý và người khỏe mạnh, đặc biệt với giới trẻ hiện nay, khi họ đang phải đối mặt với những biến động lớn từ xã hội.
Bà chỉ ra bối cảnh toàn cầu, thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách, xung đột vũ trang, thời tiết cực đoan… những thách thức này không còn xa lạ với thể hệ trẻ Việt Nam bởi sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, Internet và giáo dục mở. Thế hệ trẻ cần được chuẩn bị kiến thức và kỹ năng để tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề toàn cầu trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau và biến đổi nhanh chóng.
Với bối cảnh tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Hồng Nhung nhấn mạnh, Việt Nam tích cực hưởng ứng các sáng chế của Liên Hợp Quốc và UNESCO về Giáo dục Công dân Toàn cầu. Theo báo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại việt Nam năm 2022. Hiện có 300.000 ca/ năm phá thai vị thành niên, 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, 1.200 vụ xâm hại, bạo hành trẻ.
Tiến sĩ Hồng Nhung đề xuất tiếp cận vấn đề bằng giáo dục công dân toàn cầu, nhưng đi vào một góc nhỏ thiết thân hơn: giáo dục tình dục toàn diện.
Tuy nhiên, bà khẳng định, đây không đơn thuần là nói về “quan hệ tình dục” hay “phòng tránh lây nhiễm” mà là một khái niệm mang tính nhân văn, bao quát đến việc trao quyền cho người trẻ, giúp họ hiểu, tôn trọng sự đa dạng, khác biệt, xây dựng mối quan hệ lành mạnh và tự tin bước ra thế giới.
“Trước khi dạy các bạn công thức toán học, hãy dạy họ cách bảo vệ bản thân, cách yêu thương chính mình, cách ứng xử tử tế với người khác. Đó là nền móng để tiếp thu tri thức khoa học một cách vững vàng”, bà chia sẻ.