AI và công nghệ mới đang mở ra cơ hội bứt phá năng suất lao động cho Việt Nam trong kỷ nguyên số. Tại Diễn đàn Trí thức trẻ toàn cầu 2025, các trí thức trẻ đề xuất nhiều giải pháp gắn với hệ sinh thái khởi nghiệp và định hướng từ Nghị quyết 57-NQ/TW.
Sáng 20/7, trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025, phiên thảo luận với chủ đề “Ứng dụng AI và các công nghệ mới để nâng cao hiệu suất lao động” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cùng nhìn nhận: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, công nghệ tự động hóa và nền tảng số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là công cụ quan trọng giúp nâng cao năng suất lao động, tái cấu trúc quy trình và tối ưu hóa nguồn lực, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, giáo dục, y tế và quản trị công, trong đó nhấn mạnh vai trò tiên phong của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, đang từng bước vươn mình ra toàn cầu.
Đáng chú ý, toàn bộ nội dung thảo luận được đặt trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, với mục tiêu “đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Theo đó, việc chung tay ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là AI, trong cả khu vực công và tư, không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tạo nền tảng để Việt Nam phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Diễn đàn không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức, mà còn là điểm kết nối giữa ý tưởng sáng tạo, chính sách hỗ trợ và nguồn lực đầu tư nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển một Việt Nam đổi mới, sáng tạo và tự cường trong tương lai gần.
Xuyên suốt phiên thảo luận xoay quanh ba trụ cột quan trọng cho sự phát triển quốc gia trong kỷ nguyên số. Thứ nhất là cơ hội và định hướng phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số và đô thị thông minh – nền tảng thiết yếu cho mọi tiến trình chuyển đổi.
Thứ hai là bài toán xây dựng các mô hình phát triển mang đậm bản sắc Việt, vừa hiện đại, vừa gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc. Và cuối cùng, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian bàn luận về việc chia sẻ dữ liệu như thế nào cho hiệu quả, vừa mở – minh bạch, vừa đảm bảo an toàn, bảo mật trong bối cảnh bùng nổ thông tin và cạnh tranh toàn cầu.
Thực trạng và kiến nghị phát triển AI trong kinh tế tư nhân: Từ rào cản đến đột phá
Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2025, Thạc sĩ Lê Anh Tiến – Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Chatbot Việt Nam, đã mang đến bức tranh toàn cảnh về thực trạng ứng dụng AI trong khối kinh tế tư nhân và những kiến nghị cụ thể để hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW.
Theo anh, nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu tích hợp AI vào chăm sóc khách hàng, tối ưu chuỗi cung ứng, phân tích dữ liệu và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, phần lớn vẫn dừng ở mức thí điểm và chưa đạt tới quy mô sản xuất.
Ba điểm nghẽn lớn được chỉ ra bao gồm: thiếu hụt nguồn nhân lực AI chất lượng cao, cơ chế tài chính phức tạp, và hạ tầng số – dữ liệu mở chưa đồng bộ.
“Việt Nam đang thiếu khoảng 70.000 chuyên gia AI và khoa học dữ liệu đến năm 2025,” anh Tiến dẫn chứng, đồng thời cho biết các thủ tục phê duyệt vốn R&D mất trung bình 6–8 tháng, gây lỡ nhịp với tốc độ phát triển công nghệ toàn cầu.
Để giải quyết, anh đề xuất một loạt kiến nghị: giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho đầu tư AI, thành lập quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo với quy trình phê duyệt ≤30 ngày, và triển khai chương trình đào tạo 5.000 kỹ sư AI-dữ liệu từ 2025–2027.
Ngoài ra, việc xây dựng các trung tâm tính toán hiệu năng cao và thiết lập cổng dữ liệu mở ngành nghề là “nhiên liệu thiết yếu” để huấn luyện và triển khai mô hình AI tại Việt Nam.
Theo ThS. Tiến, nếu chính sách, con người và hạ tầng cùng được khai thông đồng bộ, doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể trở thành lực lượng tiên phong đưa AI từ ý tưởng thành hiện thực, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 40 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ tới.
Tại phiên thảo luận TS. Lê Duy Dũng – Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Trường đại học VinUni đã mang đến một góc nhìn ấn tượng về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khám phá và thiết kế vật liệu mới.
Anh đã đưa ra một loạt dự án nghiên cứu sử dụng AI kết hợp robot tự động hóa tốc độ cao để tổng hợp các vật liệu có cấu trúc xốp như MOFs (Metal Organic Frameworks) – những vật liệu có tiềm năng lớn trong thu giữ CO₂, thu nước từ không khí và làm chất xúc tác.
Một điểm nhấn đặc biệt là việc sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) như ChatGPT 4.0 và Nougat để tự động phân tích tài liệu khoa học, trích xuất dữ liệu điều kiện tổng hợp và đặc trưng hóa vật liệu như XRD, FTIR… Đây là bước tiến lớn giúp tăng tốc quá trình nghiên cứu, loại bỏ dữ liệu nhiễu và tạo lập bộ dữ liệu huấn luyện chất lượng cao.
“Việc kết hợp giữa AI, dữ liệu lớn và hệ thống robot thí nghiệm đã cho phép chúng tôi thực hiện cùng lúc 22 thí nghiệm, tối ưu quy trình chỉ trong vài giờ thay vì vài tuần như trước”, TS. Lê Duy Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, anh còn nhấn mạnh tầm quan trọng của chia sẻ dữ liệu mở, thiết kế ngược bằng AI (inverse design) và hướng đến hệ sinh thái nghiên cứu hợp tác toàn cầu. Theo TS. Lê Duy Dũng, đây là chìa khóa để Việt Nam rút ngắn khoảng cách công nghệ, đóng góp vào tiến trình phát triển vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường.
Cơ chế “3 nhà”: Chìa khóa mở đường cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam
Tại phiên thảo luận, cơ chế “3 nhà” – Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm, đây được xem là trụ cột quan trọng trong thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Thay vì hoạt động rời rạc, mô hình này tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, chính sách, thị trường, giúp các kết quả khoa học không nằm trên giấy mà được ứng dụng vào thực tiễn.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo thể chế và đầu tư ban đầu; nhà khoa học cung cấp tri thức, công nghệ; còn doanh nghiệp là mắt xích đưa sản phẩm ra thị trường. Khi ba chủ thể này phối hợp hiệu quả, sẽ tạo ra “đòn bẩy” mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết 57, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế tri thức và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hiện nay, Nhà nước rất ủng hộ cơ chế này qua các chính sách và Nghị quyết. Doanh nghiệp có thẻ thành lập các trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo, hay hợp tác trực tiếp với các trường đại học và viện nghiên cứu.
Thực tế đã chứng minh, nhiều doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đang hoạt động rất hiệu quả theo mô hình này không chỉ đổi mới sản phẩm, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường khu vực. Việc ứng dụng AI, dữ liệu lớn, hay robot hóa quy trình không còn là câu chuyện “xa tầm với”, mà đang dần trở thành công cụ thiết yếu để nâng cao hiệu suất lao động, giảm chi phí, và thích nghi nhanh với biến động thị trường.
Tuy nhiên, việc đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp vẫn còn khiêm tốn, cả về quy mô lẫn chiều sâu công nghệ.
Phiên thảo luận đã mở ra rất nhiều góc nhìn chuyên sâu về ứng dụng AI và các công nghệ mới để nâng cao hiệu suất lao động. Thế nhưng, trong kỷ nguyên số, chúng ta cần phải nghiên cứu cách để làm chủ công nghệ, chúng ta phải Made in Việt Nam bởi vì việc lệ thuộc vào công nghệ có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả 1 quốc gia. Đây cũng chính là một bài toán đặc thù của Việt Nam, khi thế giới chưa quan tâm đến, chúng ta phải đi trước.
Qua phiên thảo luận có thể thấy AI không còn là câu chuyện của tương lai, mà đang là công cụ thiết yếu để nâng cao năng suất và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, để không lệ thuộc công nghệ ngoại nhập, Việt Nam cần chủ động hơn trong chiến lược “Make in Vietnam” từ chính sách đến con người và hạ tầng. Chỉ khi làm chủ được công nghệ, chúng ta mới thực sự tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.